HomeKiến thức tài chínhKiến thức tài chính cơ bản bất cứ ai cũng nên biết

Kiến thức tài chính cơ bản bất cứ ai cũng nên biết

Kiến thức tài chính là hành trang hết sức quan trọng cho bất kỳ ai đang muốn khởi nghiệp hay quản lý chi tiêu cá nhân sao cho hợp lý hơn. Nếu không nắm rõ các kiến thức này thì dù có tài giỏi, kiếm bao nhiêu tiền đi nữa bạn cũng dễ rơi vào tình trạng “cháy túi”.

Dưới đây là các kiến thức tài chính cơ bản bạn có thể áp dụng cho tất cả doanh nghiệp hay cá nhân được tổng hợp bởi Góc quản trị nhé!

kiến thức tài chính cơ bản

1. Tài chính là gì?

Tài chính là quan hệ phân phối tài sản của xã hội dưới hình thức giá trị. Tài chính được phát sinh trong quá trình hình thành, tạo lập, phân phối các quỹ tiền tệ của các chủ thể trong nền kinh tế để đạt được mục tiêu của các chủ để ở mỗi điều kiện nhất định.

Tài chính bao gồm các quỹ tiền tệ được hình thành bởi nhà nước nhằm thực hiện những chức năng và nhiệm vụ của nhà nước. Tài chính không phải là tiền tệ, nhưng các quỹ tiền tệ được hình thành bởi Nhà nước chính là những biểu hiện bên ngoài của tài chính. (Phần này khá lý thuyết bạn có thể xem cách quản lý tài chính, cá nhân ở mục dưới).

tài chính là gì

2. Chức năng tài chính

Tài chính có 3 chức năng đó là: huy động, phân phối và giám sát vốn.

2.1. Chức năng huy động của tài chính

Huy động vốn là chức năng tạo lập các nguồn tài chính, thể hiện ở khả năng tổ chức, khai thác các nguồn tài chính đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Việc huy động vốn phải tuân thủ cơ chế thị trường, quan hệ cung cầu, và giá cả của vốn.

2.2. Chức năng phân phối của tài chính

Chức năng phân phối của tài chính là một khả năng khách quan của phạm trù tài chính. Con người nhận thức và vận dụng khả năng khách quan đó để tổ chức việc phân phối của cải xã hội dưới hình thức giá trị.

2.3. Chức năng giám sát của tài chính

Giám sát là chức năng kiểm tra sự vận động của các nguồn tài chính trong quá trình tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ. Thông qua chức năng này để kiểm tra và điều chỉnh các quá trình phân phối tổng sản phẩm xã hội dưới hình thức giá trị, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của mỗi thời kỳ, kiểm tra các chế độ tài chính của Nhà nước…

3. Hệ thống tài chính

Hệ thống tài chính là tổng thể các hoạt động tài chính trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế quốc dân, nhưng có quan hệ hữu cơ với nhau về việc hình thành và sử dụng các quỹ tiền tệ ở các chủ thể kinh tế – xã hội hoạt động trong lĩnh vực đó.

Hệ thống tài chính bao gồm:

– Tài chính công (gồm ngân sách nhà nước và các quỹ ngoài ngân sách).

– Tài chính doanh nghiệp.

– Thị trường tài chính (gồm thị trường tiền tệ và thị trường vốn).

– Tài chính quốc tế.

– Tài chính hộ gia đình, cá nhân.

– Tài chính các tổ chức xã hội.

– Tài chính trung gian (bao gồm tín dụng, bảo hiểm).

4. Kiến thức tài chính doanh nghiệp cần biết

Kiến thức tài chính hết sức quan trọng đối với một chủ doanh nghiệp vì dựa vào nó, chúng ta có thể biết được kết quả kinh doanh của công ty. Việc nắm vững kiến thức tài chính doanh nghiệp, giúp cho người đứng đầu đưa ra những quyết định cân đối, lưu chuyển và sử dụng tài chính hợp lý như tăng đầu tư cho các hạn mục cần thiết và cắt giảm chi phí cho những việc không cần thiết.

Dưới đây là các kiến thức tài chính doanh nghiệp cơ bản cần thiết cho bất cứ doanh nghiệp.

kiến thức tài chính doanh nghiệp

4.1. Đọc báo cáo tài chính

Đọc báo cáo tài chính không chỉ dừng lại ở việc xem sao kê doanh thu, chi phí, lợi nhuận mà còn cho biết “sức khỏe” tài chính của công ty đang lãi hay thua lỗ; tài sản nằm ở đâu; lưu chuyển tiền tệ diễn ra như thế nào;  từ đó nhà quản lý sẽ có những phương án xử lý kịp thời đến hoạt động tài chính của doanh nghiệp tránh tình trạng xấu nhất.

4.2. Lập kế hoạch tài chính

Lập kế hoạch tài chính để chủ doanh nghiệp có thể đo lường được dự báo dòng tiền ra và vào công ty giúp chủ động trong các khoản thu, chi.

Đo lường dự báo các dòng tiền chính là xác định rõ các khoản thu từ nguồn nào, làm thế nào để gia tăng các khoản thu này; các nguồn chi từ các khoản nào để cắt giảm các khoản không cần thiết.

4.3. Theo dõi chặt chẽ các loại quỹ

Rất nhiều doanh nghiệp bỏ quên chi phí cho các loại quỹ, dẫn đến tình trạng hàng hóa bán rất nhiều nhưng sau một thời gian nhìn lại thì không thấy lợi nhuận đâu, bạn nên xem xét các loại quỹ sau:

Quỹ khấu hao tài sản: gồm cửa hàng, showroom, kho bãi, văn phòng, máy móc, thiết bị, dụng cụ…Tùy vào tài sản sẽ có mực khấu hao khác nhau, với doanh nghiệp nhỏ bạn nên chọn phương pháp khấu hao nhanh.

Ví dụ: Chi phí để hoàn thiện một quán café hết 100 triệu, bạn dự tính sau 5 năm phải sửa chữa lại toàn bộ cửa hàng, tức là khấu hao cho 1 năm là 20 triệu, 1 tháng hết  1,7 triệu đồng. Tuy nhiên, với một quán nhỏ bạn nên tính khấu hao lên 2 năm, tức mỗi tháng 5 triệu để đẩy áp lực lên bộ phân kinh doanh đảm bảo nguồn thu cho quán.

  • Quỹ dự phòng rủi ro tồn kho: tùy dòng sản phẩm sẽ có từ 0,5 đến 3%, các loại thực phẩm hạn sử dụng ngắn có thể lên đến 30%.
  • Quỹ khen thưởng: dùng để trả tháng lương thứ 3, thưởng tết, lễ, du lịch, party.
  • Quỹ đền ơn đáp nghĩa: dùng để từ thiện, đóng góp trách nhiệm với xã hội (dựa trên lợi nhuận của công ty, sau khi hạch toán).
  • Quỹ marketing, nghiên cứu thị trường, sản phẩm..

5. Những lưu ý khi quản lý tài chính doanh nghiệp nhỏ

  • Nếu quy mô doanh nghiệp dưới 10 nhân sự, chủ doanh nghiệp nên tự mình ghi chép sổ sách.
  • Cần xây dựng ngay các chính sách kiểm tra và kiểm soát sổ sách nội bộ.
  • Chú ý đến báo cáo ngân hàng, mỗi tháng một lần nên kiểm tra tiền vay, tiền gửi và tiền lãi với báo cáo đó.
  • Báo cáo dòng tiền nên làm hàng tháng, đúng hạn và duy trì theo dõi.
  • Có thể thuê dịch vụ bên ngoài từ các công ty chuyên nghiệp sẽ giúp bạn tiết kiệm chi phí, nhân lực, lẫn thời gian.
  • Lập báo cáo tài chính hàng tháng để theo dõi hoạt động kinh doanh của công ty, đồng thời đưa ra các điều chỉnh phù hợp.
  • Nên mở kế tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp, không nên dùng tài khoản cá nhân để minh bạch dòng tiền của công ty.

6. Kiến thức quản lý tài chính cá nhân hiệu quả

Có rất nhiều cách để quản lý tài chính cá nhân khác nhau, trong đó phương pháp chia thu nhập bằng 6 khoảng khác nhau được rất nhiều người áp dụng và thành công. Cụ thể như sau:

Cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả

Cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả

  • Khoản 1: quỹ tự do tài chính – 10% thu nhập là nguồn quỹ dự phòng cho tương lai để thực hiện các dự định riêng như nghỉ hưu sớm, thỏa mãn sở thích, đam mê của bản thân.
  • Khoản 2: quỹ tiêu dùng dài hạn – 10% thu nhập là nguồn quỹ dự phòng cho các tình huống phát sinh như sức khỏe, bệnh tật tai nạn.
  • Khoản 3: quỹ giáo dục – 10% thu nhập dùng để nâng cao kiến thức của bản thân, phát triển kỹ năng, tạo thêm nhiều mối quan hệ xã hội.
  • Khoản 4: quỹ hưởng thụ – 10% thu nhập dùng để thỏa mãn nhu cầu giải trí, hưởng thụ cho bản thân. Hãy xem đây là một khoản thưởng cho nỗ lực của bản thân, dù gì mục đích của việc kiếm tiền là để cuộc sống thêm phần hạnh phúc.
  • Khoản 5: quỹ chia sẻ, từ thiện – 5% thu nhập dùng để cho đi, ủng hộ những quỹ từ thiện, giúp đỡ bạn bè, khó khăn về tài chính, từ đó tạo ra niềm vui cho bản thân.
  • Khoản 6: quỹ tiêu dùng thiết yếu – 55% thu nhập là nguồn tiền chính để bạn chi tiêu phục vụ các nhu cầu thiết yếu hàng ngày như: tiền nhà, điện, nước, thực phẩm, quần áo…

Tùy thuộc vào khoản thu nhập của bản thân bạn có thể điều chỉnh sao cho phù hợp nhất. Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo không chênh lệch quá nhiều so với dự tính và cần phải nghiêm túc thực hiện kế hoạch tài chính cá nhân.

7. Tóm lại kiến thức tài chính cơ bản

Hệ thống tài chính rất phức tạp, kéo theo đó là lượng kiến thức tài chính rất lớn và sẽ gây khó khăn cho những người mới bắt đầu tiếp cận lĩnh vực này. Đối với doanh nghiệp cần nắm vững 3 kỹ năng: lập kế hoạch tài chính, lập kế hoạch tài chính, theo dõi chặt chẽ các loại quỹ thu – chi. Đối với cá nhân nên chia thu nhập thành 6 khoản dành cho: tự do tài chính, tiêu dùng dài hạn, giáo dục, hưởng thụ, chia sẻ, tiêu dùng thiết yếu.

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments