HomeChia sẻ khácQuiet quitting là gì? Vì sao nhân viên lại có xu hướng...

Quiet quitting là gì? Vì sao nhân viên lại có xu hướng quiet quitting

Sau cơn sốt về thuật ngữ “Great Resignation” diễn ra khi đại dịch Covid-19 vừa kết thúc thì mới đây thuật ngữ quiet quitting đang là một xu hướng được nhiều báo chí lẫn các trang mạng xã hội bàn tán sôi nổi. Đồng thời xu hướng này cũng gây nên không ít tranh cãi bởi câu hỏi “Là tốt hay xấu khi nhân viên chỉ làm đúng nhiệm vụ được giao?” Mời độc giả cùng tham khảo bài viết dưới đây để có cái nhìn khách quan nhất về xu hướng lẫn nguyên nhân xảy ra tình trạng “Quite quitting” này.

Quiet quitting là gì?

Quiet quitting hay tạm dịch là “âm thầm bỏ cuộc” hay “làm việc cầm chừng”. Theo The Guardian, “Quiet quitting” dùng để chỉ những nhân sự chỉ làm việc trong phạm vi công việc họ được trả tiền mà không làm thêm bất cứ công việc nào khác, kể cả những hoạt động giao lưu tại nơi làm việc. Nhìn chung, Quiet quitting không phải là nghỉ việc mà là nhân sự của doanh nghiệp giới hạn trách nhiệm và cường độ công việc đúng trong phạm vi “mô tả công việc theo hợp đồng đã ký kết” để tránh dẫn đến tình trạng căng thẳng, kiệt sức trong công việc.

Chúng ta không nên nhầm lẫn rằng quite quitter họ sẽ bỏ bê công việc. Họ vẫn hoàn thành đúng, đủ và tốt những công việc được giao nhưng chỉ là họ buông bỏ ý tưởng về việc sẽ cống hiến thêm nhiều cho công ty. Nhân viên không còn muốn trói mình vào những công việc “thâu đêm suốt sáng” để đạt được kỳ vọng của công ty mà mức lương của họ vẫn chỉ dừng ở con số cũ.

Xu hướng quiet quitting xuất hiện trên thế giới

Quiet Quitting đã trở nên phổ biến trong vòng gần một năm với 354 triệu lượt xem cho các video có hashtag #quietquitting. Đây là một dấu hiệu cho doanh nghiệp biết nhân viên đang kiệt sức và cần phải nhìn lại văn hóa làm việc. Covid-19 là một trong những nguyên nhân dẫn đến Quiet Quitting trở nên phổ biến. Nếu có ai đã gặp khó khăn trong công việc, họ sẽ cần một thay đổi hoặc thời gian nghỉ ngơi và dễ dàng theo xu hướng Quiet Quitting.

Vì sao nhân viên lại có xu hướng quiet quitting

Ngoại trừ những nhân viên vốn dĩ đã lười làm thì doanh nghiệp khi tìm hiểu nguyên nhân vì sao nhân viên mất động lực làm việc thì nên nhìn từ phía bản thân của doanh nghiệp trước:

Lương thưởng không tương xứng với năng lực bỏ ra

Để thăng tiến trong sự nghiệp, một nhân viên phải phấn đấu làm việc trên mức được yêu cầu để được dễ dàng thăng tiến trong công việc. Tuy nhiên sau đại dịch Covid, nền kinh tế suy thoái khiến cho các doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự hết mức có thể dẫn đến tình trạng những nhân viên còn ở lại bị dồn công việc. Lâu dần dẫn đến tình trạng kiệt sức, quá tải,.. Một số doanh nghiệp trả lương thưởng lẫn chế độ đãi ngộ không tương xứng với những gì họ bỏ ra. Thậm chí là ở Việt Nam vẫn còn tồn đọng những doanh nghiệp viện đủ lý do để cắt giảm tiền lương của nhân viên.

Môi trường làm việc không phù hợp

Văn hóa doanh nghiệp hay đồng nghiệp là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến các Quite quitter. Một môi trường làm việc toxic, luôn bị chèn ép, la mắng thường xuyên hay bị nói xấu sau lưng, không có sự đồng cảm khiến cho họ cảm thấy chán nản với những gì mình đang làm hàng ngày. 

Mong muốn cân bằng công việc và cuộc sống

Ngày nay, nhiều nhân sự có xu hướng muốn cân bằng giữa công việc và cuộc sống hơn. Vậy nên họ sẽ tránh làm việc vào những thời gian họ cần nghỉ ngơi. Trong công việc sẽ luôn có những khoảng thời gian bận rộn hơn bình thường, nhưng nếu nhân viên phải đảm nhiệm quá nhiều nhiệm vụ và dự án cùng một lúc thì hiệu suất công việc sẽ giảm. Hơn nữa, nhiều trường hợp nhân viên đã nỗ lực rất nhiều để hoàn thành tốt dự án nhưng không được sự ghi nhận dẫn đến mất động lực làm việc.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid 19 bắt buộc phải lockdown toàn thành phố khiến nhiều người nhận ra rằng họ cần chăm sóc sức khỏe tinh thần của bản thân lẫn dành nhiều thời gian dành cho gia đình hơn.

Nguyên nhân đến từ quản lý cấp trên

Không chung tiếng nói với lãnh đạo trong công việc: Những người đi làm lâu năm sẽ hiểu rất rõ điều này. Trong công việc sẽ có nhiều lúc sếp của bạn giao cho làm những dự án không khả thi với tình hình thực tế của doanh nghiệp nhưng chính bạn sẽ là người chịu trách nhiệm cho dự án đó. Nếu dự án có không thành công thì bạn cũng là người bị khiển trách.

Giao tiếp công việc không rõ ràng: Tại Việt Nam, không ít doanh nghiệp xảy ra tình trạng nhân viên mất kết nối với lãnh đạo của mình. Việc xung đột trong công việc là điều thường thấy khi cấp trên truyền đạt công việc không rõ ràng dẫn đến làm sai việc. Nhân viên cấp dưới không biết mục đích công việc là gì bởi người sếp không chỉ rõ cho họ mong muốn hay kết quả công việc. Lâu dần dẫn đến mất động lực làm việc, thậm chí là mất niềm tin vào người lãnh đạo.

Doanh nghiệp nên làm gì trước tình trạng quiet quitting

Xác định rõ ràng bản mô tả công việc

Mặc dù bản chất công việc đã nêu rõ nhiệm vụ phải thực hiện nhưng nó hiếm khi đầy đủ những công việc thực chất một nhân phải làm. Những công việc phát sinh khó có thể kiểm soát được do tính chất công việc luôn phải thay đổi thuận theo sự phát triển của xã hội khiến cho nhân viên luôn phải cập nhật công việc để bắt kịp xu hướng việc làm.

Ví dụ, bạn là một nhân viên sản xuất nội dung và công việc công ty giao cho bạn ban đầu là chỉ sản xuất nội dung trên website. Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển nên độc giả không chỉ đọc bài trên website nữa mà họ tìm kiếm nội dung trên Tiktok, nghe postcard,.. và bạn sẽ phải làm thêm những công việc để thu hút thêm khách hàng trên các nền tảng đó.

Vậy nghĩa là nhiệm vụ công việc của bạn đã được thay đổi. Lúc này doanh nghiệp cần phải nhanh chóng cập nhật mô tả công việc lẫn mức lương của người nhân viên đó.

Xây dựng văn hóa công ty

Văn hóa doanh nghiệp từ trước đến nay vẫn luôn là giá trị mà doanh nghiệp nào cũng muốn xây dựng và hướng đến để giữ chân người tài. Để gia tăng trải nghiệm cho nhân sự của mình, doanh nghiệp được khuyến khích rằng nên thường xuyên lắng nghe cảm nhận của nhân viên. Bởi, mục tiêu nghề nghiệp của mỗi người đều không giống nhau. Có người đi làm vì lương, có người đi làm vì muốn phát triển sự nghiệp, có người lại cần một công việc làm việc thoải mái thời gian. Vậy nên chỉ khi lắng nghe ý kiến từ nhân viên sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện được những điểm chưa tốt. 

Ngoài ra, doanh nghiệp nên xây dựng một môi trường khiến cho nhân viên cảm thấy an toàn khi bộc lộ quan điểm cá nhân của mình. Từ đó sẽ giúp tạo niềm tin của nhân viên với lãnh đạo của họ.

Xây dựng lại chính sách đãi ngộ, phúc lợi

Không thể phủ nhận rằng các chính sách đãi ngộ, phúc lợi đem đến nhiều động lực cho nhân viên cống hiến với công ty. Hiện nay có nhiều công ty trên thế giới đã cải thiện chính sách đãi ngộ như khám sức khỏe thường niên dành cho người thân trong gia đình của nhân viên. Điều này ngoài việc nâng cao năng suất lao động, tiếp thêm động lực cho nhân viên mà còn giúp giữ chân được nhân tài, giảm tỷ lệ nhảy việc .

Nhìn chung, trong thời kỳ xã hội phát triển và con người ngày càng phải lao động, học hỏi thêm để bắt kịp thời đại. Nếu xu hướng “Quiet Quitting” kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc. Vậy nên, doanh nghiệp cần có nhận thức từ sớm về tình trạng này để có những bước tiến cải thiện tinh thần làm việc từ các nhân viên của mình, giúp họ vượt ra các rào cản công việc và cuộc sống.

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments